Số phận của những bộ trang phục vua chúa ở phim Trung Quốc
17/11/2019Khán giả khi xem phim Trung Quốc thường tò mò không biết số phận của những bộ trang phục lộng lẫy, xa hoa sẽ đi về đâu.
Phim Hoa ngữ luôn gây ấn tượng với những bộ phục trang bắt mắt, cầu kỳ. Các nhà sản xuất không ngại đầu tư một khoản tiền lớn vào trang phục, nhằm thu hút sự chú ý của khán giả.
Với mỗi dự án phim, có hàng trăm, hàng nghìn bộ trang phục được sản xuất. Xử lý phục trang thế nào cho hợp lý, tiết kiệm, vẫn luôn là vấn đề khiến các nhà sản xuất phải đau đầu. Sau khi phim đóng máy, số phận của những bộ trang phục sẽ đi về đâu?
Trang phục ở phim này tái sử dụng trong phim khác
Tái sử dụng là cách làm tiết kiệm và được các nhà sản xuất phim Trung Quốc áp dụng thường xuyên.
Cách làm này vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa bảo vệ môi trường. Nhà đài TVB từng rất nổi tiếng trong việc tái sử dụng trang phục trong các dự án phim tự sản xuất.
Nhiều khán giả thắc mắc về cách xử lý trang phục trong phim Trung Quốc. |
Các đạo cụ như bát, đũa, túi xách, trang sức… cũng được đài TVB sử dụng lại nhiều lần. Chẳng hạn như chiếc áo cổ lông của Phùng Hiểu Văn trong Không thể khuất phục (2002) đã được Xa Thi Mạn mặc lại trong phim Thâm Cung Nội Chiến (2004).
Bán đấu giá cho người hâm mộ
Ở những dự án phim cổ trang có vốn đầu tư lớn, trang phục của các diễn viên thường được may đo theo số đo riêng. Những bộ quần áo này sau khi sử dụng xong sẽ bị xếp kho, hoặc may mắn sẽ được đem ra bán đấu giá. Những người mua lại thường là người hâm mộ, có tình cảm đặc biệt với các nhân vật và với bộ phim.
Phùng Hiểu Văn và Xa Thi Mạn diện chung một chiếc áo cổ lông ở 2 bộ phim khác nhau. |
Phụ kiện như trâm cài tóc, khuyên tai của Dương Mịch trong bộ phim Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa được người hâm mộ mua lại với giá 8.000 NDT (khoảng 28 triệu đồng). Trang phục của nam diễn viên Lý Dịch Phong trong Cổ kiếm kỳ đàm cũng được bán với giá hơn 10.000 NDT (gần 36 triệu đồng).
Diễn viên giữ lại làm kỷ niệm
Trong Hậu cung Như Ý truyện, trang phục của Châu Tấn được may theo số đo của nữ diễn viên. Sau khi phim đóng máy, người đẹp phim Họa Bì đã giữ lại 90% trang phục của nhân vật Ô Lạt Na Lạp Như Ý để làm kỷ niệm.
Châu Tấn giữ lại quần áo của nhân vật Như Ý làm kỷ niệm. |
Phạm Băng Băng cũng giữ lại bộ long bào trị giá 500 nghìn NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng) trong Võ Mỵ Nương truyền kỳ làm kỷ niệm. Nam diễn viên Bao Bối Nhĩ lại dùng trang phục trong phim Mật thám hoan hỉ cho đám cưới ngoài đời của mình.
Trả lại cho nhãn hàng tài trợ
Nếu xử lý trang phục trong phim cổ trang gặp nhiều khó khăn thì phim hiện đại lại dễ dàng hơn. Quần áo trong phim hiện đại Trung Quốc sẽ do các nhãn hàng thời trang tài trợ. Có trường hợp, các nhãn hàng còn tặng lại quần áo cho diễn viên nếu diễn viên thích.
Lưu Đào tự chuẩn bị trang phục trong phim Hoan lạc tụng. |
Cũng có một số trường hợp, diễn viên phải tự chuẩn bị trang phục. Khi Lưu Đào đóng vai Andy trong phim Hoan lạc tụng, cô đã tự chuẩn bị quần áo cho nhân vật. Đường Yên cũng tự phối đồ khi đóng phim Bên nhau trọn đời.
ZING.VN